- Ngày phát hành: 02/03/2019
- Ngày cập nhật: 02/03/2019
- Dịch thuật: Thiên Lộc
- Hậu kỳ: Thiên Lộc
- Đồ họa 3D: KarBel Multimedia
- Bản quyền: phần mềm Logos
- Được phép dùng cho việc nghiên cứu, học Kinh Thánh & trình chiếu tại nhóm nhỏ, công ty, trường học, nhà thờ...
- Không được dùng cho mục đích thương mại bao gồm quảng cáo, in sách, hay bất kỳ hình thức nào tạo ra lợi nhuận.
Thông tin thêm
Giê-ri-cô\ Jericho. Jérico (Mùi thơm hoặc mặt trăng).
Là thành thứ nhất của xứ Ca-na-an mà Giô-suê tiến vào sau khi qua sông Giô-đanh. Giê-ri-cô thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải 275 thước, cách phía đông bắc Giê-ru-sa-lem chỉ độ 25 cây số, song thấp hơn núi Ô-li-ve 1.115 mét, và các sông Giô-đanh phía tây độ 9 cây số. Thành nầy vốn là nơi dân Ca-na-an thờ mặt trăng, và ở trên đồng bằng. Lại có tên khác là thành Cây chà là (Phục Truyền 34:3; Các Quan xét 1:16; 3:13; II Sử Ký 28:15). Giô-suê chiếm lấy thành bằng phương pháp Chúa dạy: Các chiến sĩ cứ mỗi ngày đi vòng quanh thành một lượt, đến ngày thứ 7 thì đi vòng quanh 7 lần. Còn bảy thầy tế lễ đi trước thổi kèn và dân sự theo sau cất tiếng hò la. Thế rồi Chúa làm phép lạ, vách thành đổ sập, dân Y-sơ-ra-ên leo lên cướp lấy thành. Vách thành nghiêng đổ thế nào, cả nhà người kỵ nữ Ra-háp được gìn giữ thế nào, và lời Giô-suê rủa sả người sau xây lại tường đó được ứng nghiệm thế nào đều chép ở Giô-suê 5:15-7:26 và I Các Vua 16:34.
Về mặt binh bị, Giê-ri-cô là cửa ngõ để chiếm xứ Ca-na-an, vì nó đứng ở nơi hai cái đèo mà từ đó có thể đi qua núi: một đèo dẫn đến Giê-ru-sa-lem, và một đèo dẫn đến A-hi và Bê-tên. “Bởi đức tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống” (Hê-bơ-rơ 11:30). Dầu thổi kèn một vạn năm cũng không thể lật đổ vách tường đó; song bởi đức tin mọi việc đều làm được (Chrysostome). Thổi kèn là dấu hiệu về sư Chúa đoán phạt bằng “hơi thở của miệng Ngài” (Khải Huyền 11:13, 15, v.v…). Dù có cơn động đất, song điều này chỉ chứng tỏ rằng Chúa dùng phương pháp của cõi thiên nhiên để làm việc trong cõi thuộc linh, vì phương pháp và thì giờ đã đúng lúc để bày tỏ ân điển Ngài đối với dân sự vâng phục Ngài. Phép lạ nầy chứng rằng Chúa thật đã ban cả xứ Thánh cho dân Ngài, để dân đó làm đẹp ý Chúa.
Về sau Giê-ri-cô thuộc chi phái Bên-gia-min (Giô-suê 16:7; 18:21). Trong thành có nhà học của tiên tri và nhà ở của Ê-li-sê (II Các Vua 2:5, 18; 4:1; 6:1, 2; 5:24). Trong đời A-háp trị vì, người Y-sơ-ra-ên bắt nhiều người Giu-đa làm phu tù. Vì tiên tri Ô-đết nói, họ bèn đưa bọn phu tù đó đến Giê-ri-cô (II Sử Ký 28:8-15). Vua Ba-by-lôn đánh hãm thành Giê-ru-sa-lem, thì Sê-đê-kia, vua sau rốt nước Giu-đa phải chạy trốn, và bị bắt ở Giê-ri-cô (II Các Vua 25:1-7; Giê-rê-mi 39:5). Quan tướng Bacchides, nước Sy-ri, xây lại thành Giê-ri-cô rất bền chặt. Sau này người La Mã đánh lấy Giu-đa, người Sy-ri bị xua đuổi. Tại thành Giê-ri-cô nầy, Chúa Giê-xu làm cho hai người mù được sáng (Ma-thi-ơ 20:29-34), Ngài vào nhà Xa-chê (Lu-ca 19:1-10), và thí dụ về người Sa-ma-ri nhân lành là chuyện xảy ra trên đường từ Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô (Lu-ca 25:37). Thành Giê-ri-cô độ 275 mét thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải. Chung quanh thành sản xuất nhiều thứ trái cây có tiếng là ngon lắm.
Các nhà khảo cổ đã tìm được vết tích vách thành Giê-ri-cô xưa bị đổ. Thành đó nguyên ở gần suối nước độc mà Ê-li-sê đã đổ muối xuống nước để suối tinh khiết trở lại (II Các Vua 2:19-22). Hiện nay chỉ còn lại một làng nhỏ tên là Ériha.